Ngành Thép cần những toan tính phù hợp
Để bảo vệ thị trường trong nước, các DN ngành thép cho rằng cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn trong năm 2018.Phát triển không đồng bộ
Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2017, xuất khẩu (XK) thép gặp khó vì đối mặt với 30 vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM), trong đó nhiều vụ đang kéo dài sang năm 2018. Mặt khác, thị trường trong nước ngày càng cạnh tranh khốc liệt khi thép nhập khẩu (NK) vẫn ồ ạt đổ về.
Các DN ngành Thép cần đầu tư công nghệ hiện đại để tăng khả năng cạnh tranh
VSA cho biết, NK nguyên liệu và sản phẩm thép năm 2017 ước đạt 19,9 triệu tấn, giảm 14,2%; kim ngạch đạt 10,5 tỷ USD, tăng 13,2%. Đặc biệt, một số mặt hàng thép mà Việt Nam đã sản xuất được nhưng vẫn phải NK với số lượng lớn như NK tôn mạ và sơn phủ màu 1.270.000 triệu tấn; thép cây và thép cuộn NK 877 nghìn tấn.
Ngoài các sản phẩm thép, VSA cho biết, Việt Nam còn nhập một lượng lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất, bao gồm: quặng sắt khoảng 3,5 triệu tấn, than mỡ luyện cốc khoảng 2,5 triệu tấn, thép phế liệu 4,5 triệu tấn...
Đáng chú ý, thị trường NK thép lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc (chiếm 46,5%), Nhật Bản (15,2%), Hàn Quốc (11,4%), Đài Loan (10,6%) và Ấn Độ (10,2%).
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA chia sẻ, nếu ngành thép không sử dụng các biện pháp PVTM hiệu quả, việc thép ngoại tràn vào sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt ở thị trường trong nước, ngành thép Việt có nguy cơ thua trên sân nhà. Nhất là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực, thép Trung Quốc càng dễ vào Việt Nam.
Theo ông Sưa, nguyên nhân là do sự phát triển của ngành thép Việt Nam không đồng bộ dẫn tới phải NK một số lượng sản phẩm thép về phục vụ sản xuất trong nước như thép cuộn cán nóng, nhưng cũng có các sản phẩm sản xuất trong nước đang thừa mà vẫn NK như thép xây dựng, tôn mạ... NK những sản phẩm này sẽ tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh.
Không chỉ cạnh tranh ở thị trường trong nước, mối lo càng lớn hơn khi mà thép Việt còn đối mặt với các vụ kiện vì nghi bị thép Trung Quốc "đội lốt". Bằng chứng là thời gian qua, Mỹ đã đưa ra nghi ngờ 90% thép Trung Quốc "đội lốt" thép Việt để XK sang Mỹ nhằm hưởng ưu đãi thuế quan, qua đó Bộ Thương mại Mỹ đưa ra mức áp thuế rất cao lên tới hàng trăm phần trăm, bao gồm cả thuế chống bán giá và thuế chống lẩn tránh thuế đối với 2 sản phẩm tôn mạ và thép cuộn cán nguội.
Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Văn Sưa, kiến nghị để bảo vệ thị trường trong nước cần phải có biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước để ngăn ngừa làn sóng nhập khẩu.
Sử dụng hiệu quả PVTM
Theo đó, VSA khẳng định, năm 2018 phải đặc biệt chú trọng công tác PVTM. Hiệp hội sẽ theo dõi tình hình NK các sản phẩm thép mà trong nước đã sản xuất để cùng các DN đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước áp dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất thép trong nước.
Hiệp hội tiếp tục nâng cao chất lượng bản tin VSA và website của Hiệp hội để cung cấp thông tin đến các DN và các cơ quan quản lý nhà nước một cách chính xác và nhanh chóng nhất. Bản tin sẽ thêm các mục mới như PVTM, thống kê sản xuất - bảo hộ thép không gỉ cán nguội... Đồng thời, theo dõi diễn biến các vụ kiện của nước ngoài để cùng các DN và cơ quan quản lý nhà nước có các biện pháp phòng vệ tích cực, giảm thiểu thiệt hại.
Ở góc độ DN, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao chất lượng thống kê để thống kê đầy đủ chính xác về thị trường có nhu cầu cần loại thép gì để nhà sản xuất thép có quyết định đầu tư đúng đắn. Đồng thời, thành viên Hiệp hội Thép có phản ứng kịp thời trước sự cố và biến động thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hòa Phát nêu quan điểm, giải pháp bảo hộ thị trường là điều kiện cần nhưng chưa đủ, tự thân các DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng mọi thời cơ để phát triển, trong đó có việc đầu tư công nghệ hiện đại.
Đồng quan điểm, ông Sưa cho rằng ngành thép Việt Nam trong thời gian tới nên có hướng xây dựng những DN đủ lớn, có khả năng cạnh tranh với sản phẩm thép của các nước.
"Muốn vậy phải tạo ra các DN có năng lực sản xuất lớn, có trình độ công nghệ cao, có năng lực quản trị tốt để tạo ra sản lượng 7-10 triệu tấn/năm. Khó khăn nhất hiện nay là vấn đề vốn, công nghệ và thiết bị", ông Sưa đánh giá.
Điều này cho thấy bên cạnh việc đẩy mạnh sử dụng thành thạo các công cụ PVTM hiệu quả, các DN ngành thép phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Để làm được, DN cần đầu tư công nghệ tiên tiến, áp dụng biện pháp quản lý hiện đại để nâng cao năng lực cạnh tranh thép sản xuất trong nước.
Nguồn tin: Thời báo ngân hàng